Khám phá những hang động kì bí và hồ nước đẹp lạ ở Thất Sơn

HOANHAP.VN – Thất Sơn (Bảy Núi) là tên gọi của vùng núi phía Tây Nam, giáp biên giới Campuchia, thuộc các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Theo dư địa chí, xa xưa Thất Sơn là một quần đảo nằm giữa vùng biển nông gần vịnh Thái Lan. Trải qua thời gian dài, do phù sa sông MêKông bồi lắng và nước biển rút đi, Thất Sơn có diện mạo như bây giờ.

Hình thành khoảng hơn một triệu năm trước, do tác động của tự nhiên cũng như quá trình xâm thực, Thất Sơn có khá nhiều hang động bí hiểm và hồ nước kì bí.

Bên trong hang C6 Tức Dụp

Tức Dụp, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 18km, là một ngọn đồi đá nổi tiếng, được mệnh danh là đồi “hai triệu đô”- đó là số bom đạn của Mỹ dội xuống đây tính ra USD. Do cấu tạo địa chất đặc biệt, bên trong đồi đá Tức Dụp là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong khổng lồ, kiên cố và vững chắc. Đây là căn cứ của quân dân An Giang thời chống Mỹ. Đi theo hành lang được xây dựng sau này, dọc theo “sơn đạo thép” năm xưa, xuyên qua những lối quanh co lúc rộng, lúc hẹp, là chập chùng đá núi hiểm trở cheo leo với nhiều hình dạng kỳ vĩ, lạ mắt như có bàn tay ai sắp đặt từ lúc tạo sơn. Bên trong hang là những di tích lịch sử, gồm hội trường, trạm xá, nơi sống và chiến đấu của bộ đội ta năm xưa. Có 11 hang có tên cụ thể: Hội trường C6, Hang dân Y.3, Hang tuyên huấn, nơi ở và làm việc của trung đội cối nữ (Hang bà Hai Bé cơ quan phụ nữ), Hang Tỉnh ủy, Hang hậu cần, Hang Quân y, Hang Châu Ken (Văn phòng Tỉnh ủy), Hang điện cối 6, Vồ Năm Kiếm, Điện Mười Xem.

Cuối năm 1968, Mỹ Ngụy mở trận càn quét lớn với hỏa lực rất mạnh gồm máy bay B.52, trực thăng vũ trang, xe tăng, pháo các loại, nhằm mục tiêu triệt hạ đồi Tức Dụp. Sau 128 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không tương xứng, quân ta đã kiên cường, anh dũng trụ vững tại đồi Tức Dụp, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của địch. Từ chiến thắng vẻ vang này, lực lượng giữ núi được Trung ương trao tặng 8 chữ vàng: “Kiên cường bám trụ, Giữ vững núi Tô”.

Tức Dụp ngày nay đã trở thành một khu du lịch sinh thái, truyền thống với khá nhiều hạng mục, công trình phục vụ khách tham quan du lịch, thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước.

Còn ở núi Cấm có khá nhiều hang động bí hiểm, theo dân gian xưa kia là nơi cọp, mãng xà trú ngụ. Nổi tiếng nhất có hang “Bác vật Lang” cách chùa Phật Linh (núi Cấm) chừng 300 mét. Hang có miệng rộng khoảng hai người qua lọt. Bên trong tối om, không khí lạnh lẽo, âm u, muốn vào sâu trong hang phải có đèn pin hoặc đèn thợ mỏ. Từ trước đến giờ chưa ai dám mạo hiểm đi sâu vào trong hang. Tương truyền ngày xưa có đoàn thám hiểm lên núi Cấm và khám phá hang này. Trong đó có nhà bác vật Lang (Lưu Văn Lang) rất giỏi về địa chất. Người ta đồn rằng, chỉ với một cây gậy, khi gõ vào mặt đất, cầu cống, công trình, ông sẽ biết được tuổi thọ và sự cố xảy ra (nếu có). Ông là người đi tiên phong khám phá hang này nên được lấy tên đặt cho hang.

Thời chiến tranh, từ năm 1962 đến năm 1967, căn cứ của Tỉnh ủy An Giang đóng ở những hang động của Ô Tà Sóc (theo tiếng Khmer có nghĩa là Suối Ông Sóc), nằm trên điểm cao của núi Dài, thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang).

Anh Phan Văn Khéo, một cựu chiến binh, nhà dưới chân đồi Ma Thiên Lãnh dẫn đường đưa chúng tôi lên núi Sà Lon để khám phá Điện Trời Gầm, hang động kì vĩ và bí hiểm nhất của núi Dài. Thời chiến tranh, các cơ quan, đoàn thể đóng rải rác trong hệ thống hang động có những đường mòn nối liền nhau từ Bụng Ông Địa đến Ô Vàng, vồ Út Mươi, với bán kính gần 3km. Các hang động ở Ô Tà Sóc rất kiên cố, chứa được nhiều người, liên thông với nhau. Điện Trời Gầm, hang Phụ Nữ, hang Quân Y, hang Hậu Cần thể hiện sự kì vĩ của thiên nhiên qua những khối đá granite khổng lồ chồng chất lên nhau và liên thông như một mê cung kì bí. Nhiều hang sâu hun hút, âm u, đến nỗi ngày nay chưa ai dám mạo hiểm đi tới cùng. Điều rất độc đáo là trong những hang động này có những khe, suối nhỏ chảy quanh co, nước trong vắt. Do đó, có thể hiểu được vì sao bộ đội ta dù bị địch vây hãm nhiều ngày nhưng vẫn có thể trụ vững trong hang, sinh hoạt bình thường. Còn Điện Trời Gầm, theo lời kể của người dân địa phương, hang rất sâu, đến nỗi khi mưa gió, trời sấm chớp, người ở trong hang vẫn không nghe thấy tiếng bên ngoài.

Ở đây còn có đồi Ma Thiên Lãnh huyền thoại, cao chừng 80 mét, nằm cách căn cứ Ô Tà Sóc khoảng 1.000 mét. Hang Ma Thiên Lãnh kín, sâu, chỉ có độc nhất một miệng hang ra vào, không có ngóc ngách, hoặc lỗ thông khí tự nhiên như phần nhiều các hang động khác của Thất Sơn. Năm 1969, máy bay địch ném bom làm sập và bít kín miệng hang, 7 chiến sĩ thuộc Trung Ðoàn 61C, bị kẹt trong hang. Lúc đầu, đơn vị tiếp lương thực bằng cách dùng ống đưa sữa, cháo loãng vào hang. Mấy ngày sau, bên trong không còn phản ứng, lại thêm giặc càn quét, đánh phá ác liệt nên đơn vị phải rút về rừng U Minh. Bảy chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn ở lại trong hang 38 năm sau, ngày 14/6/2007, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã tiến hành phá cửa hang Ma Thiên Lãnh để tìm hài cốt 7 liệt sĩ. Sau 24 ngày làm việc cật lực, chiều 8/7/2007, cửa hang được mở ra, hài cốt của 7 chiến sĩ được tìm thấy. Hiện nay, tại cửa hang Ma Thiên Lãnh, có bia kỷ niệm và bàn thờ các liệt sĩ.

Hồ Ô Tà Sóc nằm dưới chân Ngọa Long Sơn

Anh Vũ Sơn có tên dân gian là núi Két hay núi Ông Két. Đây là ngọn núi nhỏ cao 225 mét, nằm trong Thất Sơn hùng vĩ thuộc địa phận xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Từ ngay cổng chính ngước nhìn lên đã thấy đầu “Ông Két” khổng lồ ở gần đỉnh. Trên đỉnh núi Két có giếng, được dân gian gọi là Giếng Tiên. Giếng giống như một cái hang ăn sâu vào lòng đá, nước trong vắt, mát lạnh. Cho đến giờ, vẫn chưa thể lý giải hết vì sao mà có giếng này và nước trong giếng có từ đâu.

Một trong những điểm hấp dẫn ở núi Két là điện U Minh. Đường vào điện hiểm trở, men theo các triền đá ven vực thẳm, luồn qua những ngõ ngách thâm u sâu trong lòng núi. Bước vào cửa hang, nhiều người giật mình khi thấy hai con mãng xà đá khổng lồ. Qua một đoạn ngắn có bậc đá dốc xuống trung tâm điện U Minh. Điện rộng chừng 40m2, sáng mờ mờ. Giữa điện, có tượng Địa Tạng Vương, bên trái là Phán Quan đang tra sổ Sinh tử, thấp dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí. Có vài bức tranh màu vẽ, mô tả cảnh cầu Nại Hà, ngài Mục Liên đi tìm mẹ. Ở Điện U Minh còn có một cái hang rất sâu khóa kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia. Cửa hang bị lấp lại vì sợ nguy hiểm cho khách tham quan. Những câu chuyện lịch sử cùng cảnh quan hùng vĩ khiến hang động vùng Bảy Núi có sức hút đặc biệt về văn hóa, lịch sử.

Ngoài hang động vùng Thất Sơn còn có những hồ nước thiên nhiên đẹp lạ kì. Ngoài phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, các hồ nước dưới chân núi ở Bảy Núi đã vô tình tạo nên bức tranh “sơn thủy” tuyệt đẹp giữa núi rừng… như hồ Soài So nằm dưới chân dãy Phụng Hoàng Sơn ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, được xây dựng vào những năm 1990. Mặt hồ phẳng lặng, nước trong veo… Cách đó không xa, hồ Soài Chek ở dưới thung lũng đồi Tà Pạ cũng không kém phần lung linh. Xung quanh hồ là cánh đồng lúa xanh mát và con đường láng nhựa thẳng tắp dọc theo bờ đến tận cùng dãy Phụng Hoàng Sơn. Nằm ở hướng Tây dãy Phụng Hoàng Sơn, hồ Ô Thum ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cũng có cảnh núi rừng thơ mộng, hữu tình. Người dân địa phương đã làm một cây cầu gỗ nối liền 2 bờ, vô tình làm tôn thêm vẻ đẹp nơi đây. Còn hồ Ô Tà Sóc nằm dưới chân Ngọa Long Sơn ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn mang vẻ đẹp thơ mộng, tĩnh lặng, hoang sơ, kì bí giữa núi rừng Ô Tà Sóc. Hồ Thủy Liêm trên đỉnh núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên được xem là hồ trữ nước nằm ở điểm cao nhất trong tất cả các hồ ở Bảy Núi. Hồ nằm ngay trước tượng Phật Di Lặc, 2 bên là chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Nói đến những hồ nước ở Bảy Núi không thể bỏ qua hồ Tà Pạ ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn – “Tuyệt tình cốc” miền Tây. Theo mùa, nước trong hồ liên tục chuyển màu, có khi là màu xanh thẫm, có khi là xanh nhạt, lại có khi màu vàng…

Núi non hùng vĩ, nhiều hang động bí hiểm kết hợp với những hồ nước đẹp lạ kì đã làm nên những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng quyến rũ nhiều du khách khám phá những điều hấp dẫn./.

Trọng Triết

Tin Liên Quan