Ý Yên (Nam Định): Đổi thay từ nông thôn mới

Ý Yên (Nam Định): Đổi thay từ nông thôn mới

Có thể khẳng định sau 9 năm thực hiện nông thôn mới (NTM), huyện Ý Yên (Nam Định) đã thực sự có nhiều đổi mới và khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thân của người dân được nâng cao, đặc biệt sự thay đổi toàn diện về hạ tầng và cải thiện môi trường sống.


Trụ sở UBND huyện Ý Yên.

Trở lại Ý Yên (Nam Định) vào những ngày hè rực nắng, con đường trải nhựa thẳng từ trung tâm thành phố về huyện khoảng chừng hơn 20km, với số dân 230.000 người, diện tích đất tự nhiên 24.610ha.

Trước kia, nhắc đến Ý Yên ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất chiêm trũng, kinh tế khó khăn. Nhưng nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM, đến nay Ý Yên đã thực sự trở thành một miền quê khang trang, đáng sống.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát thực tế của các cấp chính quyền cùng những nỗ lực chung tay góp sức của người dân. Nhìn lại chặng đường thực hiện NTM, ông Nguyễn Xuân Thành – Chủ tịch huyện Ý Yên cho biết: “Trong quá trình thực hiện NTM, một trong những tiêu chí khó khăn mà Ý Yên phải nỗ lực thực hiện đó là tiêu chí về cơ sở vật chất và môi trường. Bởi Ý Yên là vùng quê chiêm trũng nên việc canh tác không hiệu quả như kỳ vọng, đời sống kinh tế người dân khó khăn nên việc thực hiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng là vấn đề không đơn giản. Bên cạnh đó, huyện có nhiều làng nghề thủ công vấn đề xả thải từ các khu làng nghề gây ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó huyện có nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ khắc phục ô nhiễm môi trường. Huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân hiểu được ý nghĩa thiết thực trong xây dựng NTM nên toàn dân đoàn kết dốc sức người, sức của để hoàn thành các tiêu chí về đích huyện NTM theo đúng kế hoạch”.

Nhờ những quyết sách đúng đắn của ban lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của toàn thể người dân, chương trình xây dựng NTM Ý Yên đã thay đổi tích cực. Huyện Ý Yên đã có cơ sở hạ tầng khang trang sạch đẹp hơn, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện có nhiều khởi sắc.


Một góc huyện Ý Yên (Nam Định).

Được biết, tổng kinh phí toàn huyện đã huy động để thực hiện xây dựng NTM giai đoạn (2010-2019), trên 3.757 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động đóng góp từ nhân dân trên 433 tỷ đồng (chiếm 11,8%).

Trong 9 năm, Ý Yên đã xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hơn 211km đường liên xã, hơn 1.000km đường bê tông trục thôn xóm, nội đồng, nâng cấp cơ bản cầu cống dân sinh.


Đường thuộc huyện Ý Yên (Nam Định).

Hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp theo quy hoạch phục vụ nhu cầu tưới tiêu của nhân dân, hoạt động hiệu quả và bền vững, gần 40km mặt đê sông đã được đổ bê tông đảm bảo bề mặt đê không bị phá vỡ, sụt lún.

Còn về trường học huyện đã đầu tư xây mới được 508 phòng học, có sửa chữa 874 phòng ở các cấp học, diện mạo các cấp học khang trang sạch đẹp. Sửa chữa, xây mới 277 nhà văn hóa, 188 sân thể thao thôn, xóm với tổng kinh phí khoảng gần 140 tỷ đồng.

Toàn huyện 32/32 xã có nhà văn hóa được trang bị các thiết bị đầy đủ. Các công trình khác như cải tạo, nâng cấp được tổng số 28/28 chợ nông thôn đạt chuẩn. Hệ thống chợ nông thôn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn.

Nhà văn hóa và các công trình thể dục, thể thao của huyện đã được đầu tư xây dựng phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân.


Nhà văn hóa thôn Trung Hưng (Yên Khang, Ý Yên, Nam Định).

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường được cải thiện nhiều, ý thức của người dân đã nâng cao. Huyện đặc thù có nhiều làng nghề nên công tác vệ sinh môi trường luôn được quan tâm, huyện đã vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp – an toàn. Từ đề án của huyện “nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường”, giao cho các tổ chức hội và đoàn thể, trong đó phụ nữ làm nòng cốt để tổ chức thực hiện.

Phát động phong trào “Ngày thứ 7 xanh”, hàng tuần, các hộ gia đình,các thôn/xóm tổ chức dọn vệ sinh môi trường vào chiều thứ 7; các trụ sở cơ quan, các xã, thị trấn ra quân vào chiều thứ 6.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai thực hiện ở các xã, thị trấn; 25/32 xã, thị trấn đã xây dựng và vận hành khu xử lý rác thải tập trung; 7/32 xã hợp đồng liên kết xử lý rác thải theo quy mô liên xã. Mỗi thôn/xóm đều có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, thường xuyên hoạt động. Chất thải rắn y tế được thu gom vận chuyển về xử lý tại lò đốt của Trung tâm Y tế huyện. Chất thải nguy hại khác được hợp đồng với Công ty cổ phần ETC để vận chuyển, xử lý.

Huyện đã chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực – thực phẩm) yêu cầu các đơn vị ký cam kết đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa công tác đảm bảo vệ sinh môi trường thành nề nếp và trở thành nét văn hóa NTM.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục giữ vững kết quả đã đạt được và thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, huy động nhiều nguồn lực, trong đó đặc biệt coi trọng việc huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa. Phấn đấu đến 2020, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 1 mô hình NTM kiểu mẫu.

Giang Sơn

Tin Liên Quan